Lượt xem: 828

Hợp sức đưa ngành tôm vượt khó

Trong những tháng đầu năm, tiến độ thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá chậm do độ mặn trên sông còn thấp. Đến nay, khi độ mặn đã ở ngưỡng phù hợp, tình hình thả nuôi vẫn không khả quan hơn khi giá tôm thương phẩm liên tục lao dốc. Đây được xem là tình cảnh “éo le” đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với nghề nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực. Nếu người nuôi phải đối mặt với sức ép về giá thành và tình hình dịch bệnh, thì doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng đang chịu áp lực lớn về nguy cơ thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu. Để ngành tôm “trụ vững” trong bối cảnh này, rất cần sự hợp sức từ nhiều tác nhân trong chuỗi ngành hàng với những giải pháp mang tính linh hoạt hơn.

 


Lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm vùng nuôi tôm tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu.

 

    Hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi tôm nước lợ, câu chuyện khi tăng, lúc giảm của giá tôm thương phẩm đã không còn xa lạ đối với ông Võ Văn Khải ở ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu. Nhưng theo ông, giá tôm bão hòa ở mức thấp suốt một tháng qua lại là chuyện hiếm thấy. Giá thu mua tôm “tỷ lệ nghịch” với giá vật tư đầu vào khiến nhiều nông dân vẫn còn e dè trong việc khởi động vụ nuôi mới. Diện tích thả tôm chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đang là boăn khoăn lớn của người đảm nhận cương vị Giám đốc Hợp tác xã như ông Khải. Ông Khải cho biết: “Giá tôm như hiện giờ là rẻ lắm, thức ăn thì lại cao, thêm điện tăng giá nữa nên bà con chưa thả được bao nhiêu hết. Có thả thì cũng thả thăm dò 1-2 ao để chờ giá thôi chứ không được như hàng năm. Diện tích toàn Hợp tác xã là 25 ha, hiện nay mới thả được khoảng 15 ha thôi”.

    Không chỉ hộ nuôi gặp khó, trong quý I/2023 vừa qua, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh cũng khá lao đao khi sức tiêu thụ tại các nước nhập khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng chung của tình hình lạm phát toàn cầu. Mặt khác, áp lực cạnh tranh từ tôm giá rẻ của một số nước cũng khiến nhiều công ty lớn chật vật trong việc tìm kiếm đơn hàng. Dù vậy, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng về doanh thu chỉ là khó khăn nhất thời, điều khiến họ lo ngại nhất là nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn tôm nguyên liệu cung ứng cho các đơn hàng dự kiến sẽ tăng mạnh vào dịp lễ, tết cuối năm. Bởi một khi giá tôm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, người nuôi tôm sẽ khó có thể mạnh dạn đầu tư vào một vụ sản xuất có khá nhiều rủi ro như hiện nay. Ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết thêm: “Hiện nay, giá tôm nguyên liệu xuống rất thấp, nếu nuôi không giỏi, khả năng thua lỗ là rất cao. Hầu hết bà con nuôi theo hình thức nhỏ lẻ của Việt Nam chiếm đến 60% - 70%. Họ chưa có đủ năng lực về tài chính hay khoa học kỹ thuật để áp dụng các mô hình nuôi công nghệ cao nhằm tăng năng suất. Do vậy, với mức giá như hiện nay, họ khó có thể trụ vững trong thời gian tới. Mỗi doanh nghiệp có một khó khăn riêng, về phía doanh nghiệp chúng tôi hiện cũng đang áp dụng một số giải pháp hỗ trợ như: cắt giảm một số chi phí không cần thiết, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả cũng như tăng năng suất lao động...”.

    Nhu cầu tiêu thụ giảm khiến giá thu mua bị ảnh hưởng là vấn đề nan giải trong sản xuất. Vì vậy, những khó khăn về mặt giá cả cũng là bài toán khó có thể can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường đồng hành, sâu sát với chính quyền địa phương tại từng vùng nuôi để hỗ trợ hộ nuôi các biện pháp,  giải pháp quan trọng được ngành hướng đến. Quản lý dịch bệnh trên tôm theo mùa vụ để lấy năng suất bù cho lợi nhuận cũng là giải pháp quan trọng được ngành hướng đến để vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất vừa góp phần gỡ khó cho bà con nuôi tôm.

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang tập trung khuyến cáo đến bà con các mô hình phù hợp với từng vùng nuôi, khuyến cáo bà con ở giai đoạn này cũng nên thả nuôi với mật độ phù hợp, áp dụng các quy trình phù hợp để hạn chế thấp nhất chi phí đầu tư sản xuất. Hiện nay cũng đang bước vào thời điểm giao mùa nên thời tiết có nhiều biến đổi về nhiệt độ, độ mặn... Đây là các yếu tố dễ xảy ra mầm bệnh trên tôm nên chúng tôi cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các địa phương tăng cường công tác khuyến cáo, giúp bà con chăm sóc ao nuôi được tốt hơn, giảm tỷ lệ thiệt hại. Hiện nay, ngành cũng đã xây dựng được nhiều mô hình điểm để khuyến cáo cho bà con. Mong rằng trong vụ nuôi năm 2023 này, tình hình thiệt hại trên tôm sẽ ở mức thấp, đây là yếu tố để đảm bảo hiệu quả sản xuất cho bà con”.

    Tôm là ngành hàng quan trọng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng trong cả khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, để ngành hàng kinh tế mũi nhọn của tỉnh đủ khả năng vượt khó trước những thách thức, khó khăn từ nhiều phía, rất cần sự hợp sức của các bên có liên quan theo hướng đồng trách nhiệm. Tin rằng với nỗ lực của người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, ngành tôm Sóc Trăng sẽ có bước phục hồi khả quan hơn trong những tháng còn lại của năm, phấn đấu đạt sản lượng và kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đã đề ra.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 70
  • Hôm nay: 7481
  • Trong tuần: 78,188
  • Tất cả: 11,801,508